(Baonghean) – Vấn đề nhãn hiệu Tương Nam Đàn gây ra nhiều mâu thuẫn khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các người dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề này đã có hướng giải quết.

Sáng ngày 27/7, tại hội thảo “Xác lập, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An: Thực trạng và giải pháp” do UBND tỉnh và Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KH&CN tổ chức, những mâu thuẫn liên quan đến nhãn hiệu Tương Nam Đàn được đưa ra mổ xẻ, đóng góp ý kiến.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Công ty CP Thủy sản Nghệ An nêu ý kiến: “Chúng tôi mong muốn lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, UBND tỉnh, Sở KHCN, các chuyên gia… có ý kiến hỗ trợ chúng tôi xác lập tính hợp pháp của 4 sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp”.

Ông Hùng cho biết rằng, Công ty CP Thủy sản Nghệ An rất ủng hộ đi theo hướng xây dựng chỉ dẫn địa lý để mục tiêu cuối cùng là phát huy giá trị thương hiệu của sản phẩm. Nhưng cũng phải có sự chia sẻ vì cả quá trình dài đã có sự hy sinh, bỏ công sức thời gian tiền bạc, trí tuệ để được cơ quan có thẩm quyền nhà nước công nhận.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền trao đổi với lãnh đạo Công ty CP Thủy sản Nghệ An bên lề hội thảo.
Còn với vị đại diện UBND huyện Nam Đàn, mong muốn Cục sở hữu trí tuệ, UBND tỉnh có định hướng, giải pháp giải quyết về việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu Tương Nam Đàn để đảm bảo được quyền lợi cho những người sản xuất tương chân chính trên địa bàn; đồng thời, để từ đây, UBND huyện Nam Đàn có định hướng về vấn đề phát triển nghề tương truyền thống.

Theo ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KH&CN, việc Công ty CP Thủy sản Nghệ An đăng ký và sau đó được cấp giấy chứng nhận đăng ký hàng hóa Tương Nam Đàn là đúng quy định của pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, nghề làm tương là sinh kế của hàng trăm hộ dân, là một sản phẩm nổi tiếng từ lâu đời của Nam Đàn; và những người dân làng nghề tương cần được sử dụng tên địa danh làm nhãn hiệu.

Ông Thành nêu quan điểm: Để có lời giải, cần ứng xử có lý, có tình. Không để ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp và người dân; đồng thời, phát triển được thương hiệu Tương Nam Đàn…”. Trước gợi mở của ông Trần Quốc Thành, đã có nhiều nhà quản lý, chuyên gia dẫn ra những trường hợp cụ thể có những mâu thuẫn như với nhãn hiệu Tương Nam Đàn và nêu phương án giải quyết.

Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ, ông Lê Ngọc Lâm dẫn ra sự việc tranh chấp nhãn hiệu Rượu Bàu Đá kéo dài cả chục năm trời ở tỉnh Bình Định. Cho đến tận cuối năm 2010, việc tranh chấp mới dừng lại khi Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra giải pháp yêu cầu Hiệp hội Rượu Bàu Đá Bình Định bổ sung vào mẫu nhãn hiệu “Rượu Bàu Đá” một thành phần chữ hoặc biểu tượng để phân biệt với nhãn hiệu của Công ty Minh Anh, để đủ cơ sở pháp lý được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”.

Tương Nam Đàn của Làng nghề tương truyền thống sản xuất được trưng bày tại hội thảo.
Hướng giải quyết được Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ, ông Lê Ngọc Lâm đưa ra là: “Qua trao đổi với Công ty CP Thủy sản Nghệ An cho thấy doanh nghiệp có thiện ý sẵn sàng chia sẻ cho cộng đồng sử dụng dấu hiệu (Tương Nam Đàn – PV). Chúng tôi cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp và sẽ có ý kiến  trao đổi với chính quyền địa phương sẽ đăng ký dấu hiệu riêng cho làng nghề vẫn mang địa danh Nam Đàn.

Trong trường hợp này, làng nghề và doanh nghiệp sẽ cùng sử dụng và cùng khai thác dấu hiệu mang địa danh Nam Đàn. Tuy nhiên doanh nghiệp đã có lo go cùng tên địa danh riêng đã xác lập và phát triển trong một thời gian dài, đó là tài sản riêng của doanh nghiệp. Hiệp hội (nếu thành lập) sẽ không sử dụng lo go đấy mà tự  phát triển logo riêng mang địa danh Nam Đàn. Nếu như Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ An tham gia vào hiệp hội, ngoài việc sử dụng lo go riêng của doanh nghiệp nếu muốn vẫn có thể sử dụng lo go chung của hiệp hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể là nội dung hết sức quan trọng trong phát triển KT-XH, gắn kết với nhân dân với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cho sự phát triển thương hiệu sản phẩm. Trong thời gian qua, UBND tỉnh, Sở KHCN, các cấp ngành, địa phương đã có sự quan tâm trong tuyên truyền vận động, trong nhận thức và đạt được một số kết quả trong việc phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể; bước đầu góp phần phát triển một số đặc sản, sản phẩm của Nghệ An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền: Tỉnh sẽ giao cho Sở KH&CN làm đầu mối để giải quyết vấn đề thương hiệu Tương Nam Đàn.
Liên quan đến những mâu thuẫn về thương hiệu Tương Nam Đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền khẳng định: Đối với một số nhãn hiệu tập thể trước  đây đã cấp cho doanh nghiệp, sắp tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành KHCN và các cấp chính quyền tổ chức làm việc, trao đổi trên tinh thần làm sao để nhãn hiệu tập thể này phát huy được cho  tất cả cộng đồng, các doanh nghiệp và nhân dân trong vùng.

“Với nhãn hiệu Tương Nam Đàn, từ những gợi ý của lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, các chuyên gia tham gia hội thảo, tỉnh sẽ giao cho Sở KH&CN làm đầu mối để giải quyết; cần lưu ý là khi thương hiệu Tương Nam Đàn được nâng lên thì chính uy tín của doanh nghiệp cũng sẽ được nâng lên”, Phó chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.

0964.296.288 Hỗ trợ 24/7