(Baonghean) – Sản phẩm nước chấm tương Nam Đàn đã nổi tiếng khắp nước. Ấy nhưng ít người biết, vô số những chai tương chất lượng cao có xuất xứ từ Làng nghề tương truyền thống Nam Đàn đang được lưu thông trên thị trường lại vi phạm nhãn hiệu hàng hóa
Thông tin đến với chúng tôi trong một chuyến đưa những người bạn xứ Bắc hành hương về huyện quê Bác. Những người bạn sau khi thỏa ý nguyện tham quan cảnh sắc đã rất thích thú với những sản vật ở đây, trong đó có tương Nam Đàn. Thấy vậy, một thành viên công tác tại Sở KH&CN nói: Mặt hàng này được ưa chuộng trên thị trường nhưng đang mắc lỗi vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa đấy! Cái sự “vi phạm” như anh bạn ngành KH&CN của tỉnh tiết lộ riêng, ấy là nhãn hiệu “Tương Nam Đàn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ trao cho một doanh nghiệp trong tỉnh từ rất lâu; trong khi sản phẩm tương bày bán ở Nam Đàn lại thể hiện rõ là có xuất xứ từ làng nghề.
Một dịp, chúng tôi về Làng nghề tương truyền thống Nam Đàn (khối Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn) công tác. Tại đây, qua câu chuyện của người làng nghề, chúng tôi cảm nhận đầy đủ được nỗi đau của những người dân sống chết cùng… tương!
Tương thành phẩm của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tỵ mang nhãn hiệu Tương Nam Đàn.
Nhiều người làng nghề tương kể rằng, một đời tương khoảng 70 ngày. Trong 70 ngày đó, dân làm tương vắt kiệt mồ hôi. Từ việc đầu tiên chọn mua đậu nành cho đến công đoạn cuối, dán cái nhãn “Tương Nam Đàn” lên sản phẩm. Làm tương, phải từ thứ đậu riêng có ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, được trồng dọc bãi bồi sông Lam. Nhờ giống, nhờ phù sa, loại đậu này có chất lượng rất cao, giá trị gấp 5, gấp 7 loại đậu nành thông thường. Mua được đậu, phải phơi phong cho khén, rồi bỏ công lựa riêng ra từng loại hạt to, hạt nhỏ hết sức cẩn thận; những loại hạt lép, hạt sâu rầy… đều phải loại bỏ cho hết.
Rang đậu tương để có mùi thơm dậy. Lửa rang đậu phải bằng củi khô, chỉ đỏ liu riu và đảo đều tay để đậu chín ngả màu vàng cánh gián. Từ đây, sàng sảy sạch sẽ và chuyển sang công đoạn nấu đậu bằng thứ nước mưa đã được lọc. Qua một ngày ròng rã để đậu được sôi âm, chuyển đậu vào chum lớn đã được chùi rửa sạch sẽ, khô ráo và ủ đúng 7 ngày (hàng ngày đều phải vớt những lớp váng bọt nổi lên). Sau đó, nêm muối ăn vừa đủ và một loại men mốc được chế từ gạo nếp thơm rồi đậy thật kín. Đúng 60 ngày sau, thứ nước chấm màu vàng sánh, ngọt đậm, thơm quyến rũ từ đậu nành mới thành!
Tìm đến nhà vị trưởng làng nghề – ông Phạm Hải Đường để hỏi cho rõ ngọn ngành, gặp vợ ông, bà Nguyễn Thị Tỵ tay rá, tay chao vớt bọt tương cho biết, ông đang cùng cử tri thị trấn tiếp xúc các vị đại biểu HĐND tỉnh. “Đêm qua tôi thấy ông ấy viết ra giấy những điều cần phản ánh vì nghe đâu có các lãnh đạo tỉnh về dự. Hình như có cả nội dung thương hiệu Tương Nam Đàn” – bà Tỵ cởi mở. Bà cho biết con cái đã thoát ly, chỉ hai ông bà gắn bó với nghề tương. Hàng sản xuất được, phần lớn có người kinh doanh đến thu gom.
Bà tự hào, là một trong những người thường xuyên đưa sản phẩm tương của làng nghề đến với các hội chợ cả nước. “Tôi vừa dự hội chợ tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh) về. Lần này nắng to quá nên thưa khách, chỉ bán được vài trăm lít. Những lần hội chợ trước, khách mua hàng nhiều hơn…” – bà kể. Những chai tương thành phẩm của bà, cũng có tên hiệu Tương Nam Đàn, được trình bày, in ấn đẹp mắt. Hỏi bà đã bao giờ bị người ta “làm khó” vì nhãn hàng này chưa? Bà Tỵ trả lời giọng chẳng mấy vui: “Nên hỏi ông nhà tôi thì sẽ cụ thể hơn. Cứ đến nhà văn hóa thị trấn, nhờ người vào gọi là ông ấy ra ngay đấy!…”.
Sản phẩm tương truyền thống Nam Đàn của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tỵ đang trong giai đoạn ủ.
Qua tiếp xúc, ông Phạm Hải Đường đã rất hồ hởi khi có người “hỏi thăm” về làng nghề tương truyền thống Nam Đàn. Nhưng cái hồ hởi chỉ thoảng qua rồi nhường chỗ cho “sự đau”, vì như ông nói: “Đau cái là nơi sản sinh ra tương Nam Đàn mà phải sử dụng trộm, sử dụng trái phép nhãn hiệu Tương Nam Đàn. Tôi cũng biết nhãn hiệu chúng tôi đang sử dụng là trái pháp luật. Cái công ty đang sở hữu nhãn hiệu Tương Nam Đàn nó không kiện thì thôi, chứ nếu kiện thì hàng vạn chai tương đang bày bán trong và ngoài tỉnh đều phải bóc nhãn hết. Hôm nay tôi có 9 nội dung trình bày với đại biểu HĐND tỉnh, trong đó, nội dung về thương hiệu của làng nghề. Tôi mong lãnh đạo tỉnh tham dự tiếp xúc cử tri sẽ có câu trả lời về vấn đề này…”.
Toàn huyện Nam Đàn, như ông Đường ước tính, có khoảng 250 hộ với trên 500 lao động sản xuất tương theo quy trình truyền thống với sản lượng trên 900 tấn, doanh thu bình quân khoảng 23 tỷ đồng/năm. Riêng Làng nghề tương truyền thống Nam Đàn, sau khi được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 198/QĐ.UBND ngày 29/12/2009, đã có sự củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Làng nghề có 29 hộ với khoảng hơn một trăm khẩu tham gia sản xuất tương; năm 2015, sản xuất khoảng gần 400.000 lít tương với tổng doanh thu 3,5 tỷ đồng; đã thành lập HTX tương Sa Nam để giải quyết các công việc liên quan, trong đó tập trung nhất việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng thương hiệu. Cũng từ năm 2009 đến nay, UBND huyện và thị trấn rất quan tâm đến công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm tương trên địa bàn tỉnh, tại những vùng tiêu thụ chính như Khu Di tích Kim Liên, TP. Vinh, TX. Cửa Lò…; và các tỉnh bạn, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Trưởng làng nghề tương truyền thống Nam Đàn, ông Phạm Hải Đường và Phó Trưởng phòng KT-HT Nam Đàn Lê Văn Sỹ trao đổi cùng phóng viên Báo Nghệ An.
Dành sự quan tâm cho làng nghề, vậy nên từ khoảng giữa năm 2012, UBND huyện Nam Đàn đã từng ban hành quyết định lập dự án xây dựng thương hiệu Tương truyền thống Nam Đàn; năm 2014, đã chỉ đạo Phòng Công Thương hướng dẫn Hợp tác xã Sa Nam đăng ký chủ trì dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tương Nam Đàn” dùng cho sản phẩm tương của huyện nhà.
Vậy nhưng những kế hoạch cho việc xây dựng thương hiệu đã gặp bế tắc do nhãn hiệu “Tương Nam Đàn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp cho doanh nghiệp. “Thương hiệu là điều mà bất kỳ loại sản phẩm hàng hóa nào cũng cần có để người tiêu dùng nhận biết, và có sự lựa chọn. Có xây dựng được thương hiệu, mới duy trì và phát triển được thị trường. Vì vậy, khi biết về thông tin này, không chỉ các thành viên trong HTX Sa Nam mà tất cả những người sản xuất tương, những cán bộ làm công tác quản lý có liên quan ở huyện Nam Đàn đều rất buồn…” – ông Phạm Hải Đường trải lòng.
Doanh nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền bảo hộ độc quyền nhãn hiệu Tương Nam Đàn, như ông Đường thông tin, là Công ty CP Thủy sản Nghệ An. Công ty này, không đứng chân trên địa bàn; chỉ có một hộ gia đình từng là cán bộ của công ty sống tại khối Phan Bội Châu (thị trấn Nam Đàn) sản xuất, và cung ứng tương công ty kinh doanh mặt hàng tương.
“Mới đây tôi đại diện cho làng nghề tham gia một hội chợ để giới thiệu sản phẩm tương. Bất ngờ là gian hàng của Làng nghề tương truyền thống Nam Đàn lại kề sát với gian hàng của Công ty CP Thủy sản Nghệ An. Cả hai gian hàng đều trưng bày sản phẩm với cùng nhãn “Tương Nam Đàn”. Người bên ấy có trao đổi với tôi: “Làng nghề đang sử dụng nhãn hiệu công ty chúng tôi được cấp quyền bảo hộ độc quyền. Như thế là làm trái pháp luật, công ty sẽ có ý kiến về việc này!”. Theo tôi được biết, huyện Nam Đàn cũng từng đề nghị Sở KH&CN tổ chức làm việc với công ty này để tìm hướng giải quyết, thế nhưng cuộc họp đã không diễn ra…” – Trưởng làng nghề, ông Phạm Hải Đường không giấu nổi vẻ buồn bã nói.
(còn nữa)