Chừng nào Nghị định 09/2016/NĐ-CP còn chưa được sửa đổi nội dung liên quan đến sử dụng muối có bổ sung vi chất iod thì đây vẫn là trở ngại tiềm ẩn đối với doanh nghiệp chế biến thực phẩm, trong đó có các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống.
Ngay sau khi ban hành, Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đã bị cộng đồng doanh nghiệp chế biến thực phẩm phản đối mạnh mẽ. Các hiệp hội doanh nghiệp đã nhiều lần chủ động thu thập và gửi các bằng chứng thực tế dựa trên kết quả kiểm nghiệm từ các trung tâm kiểm nghiệm uy tín hàng đầu Việt Nam cho Bộ Y tế – cơ quan xây dựng dự thảo sửa đổi nghị định này.

Thừa Iod có nguy cơ gây bệnh ung thư tuyến giáp
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng chính phủ Lê Thành Long ngày 16/1/2025, có đại biểu đưa ra chứng cứ cho thấy việc tăng cường iod trong muối dùng cho hộ gia đình trong những năm qua đã dẫn đến tình trạng thừa iod (dựa theo dữ liệu nghiên cứu năm 2024 trên 1.510 người do Bộ Y tế đưa ra cho thấy 16,6% người thiếu iod; 77,1% đủ iod; 6,1% thừa iod và 0,1% quá thừa). Trong khi đó, việc thiếu vi chất này trước đây chủ yếu xuất hiện ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Vì vậy, chỉ cần đẩy mạnh bắt buộc tăng cường iod đạt chuẩn cho muối dùng trong hộ gia đình là có thể dễ dàng đạt 100% ngưỡng chuẩn của WHO.
Ngày 24/1/2025, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc đã họp và đồng ký tên gửi văn bản tổng hợp ý kiến đến Phó thủ tướng chính phủ Lê Thành Long; các Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tư pháp, Công Thương, NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách TTHC về những khó khăn, bất cập trong thực tiễn và đóng góp ý kiến sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP theo hướng luôn đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân nhưng rất quan ngại về mở rộng sang muối có bổ sung iod dùng trong chế biến thực phẩm. |
Việc tăng cường iod đại trà như vậy là chưa đủ cơ sở khoa học và có nguy cơ tăng các bệnh do thừa iod khi mở rộng việc bổ sung iod ra cả muối dùng trong chế biến thực phẩm. Hiện nay, tỷ lệ thừa iod tại Việt Nam đã ở mức đáng lưu ý, với 6,1% dân số bị thừa iod và 0,1% ở mức quá thừa. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Y tế khẳng định rằng “không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến yêu cầu sử dụng muối iod trong chế biến thực phẩm; tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa iod”.
Nhiều nghiên cứu khoa học của thế giới đã cho thấy tỷ lệ ung thư tuyến giáp thể nhú tăng lên nhiều lần ở các quốc gia sau khi bổ sung iod đại trà vào muối dùng cho hộ gia đình. Những trường hợp điển hình đã được ghi nhận tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, cũng như Áo, Thụy Sĩ, và Argentina. Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất tại Hội nghị Phòng chống ung thư TP. HCM lần thứ 27 do Bệnh viện Ung bướu phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam và Liên chi hội Ung thư TP. HCM tổ chức vào ngày 5/12/2024 đã ghi nhận tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp tăng cao và chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại ung thư tại Việt Nam hiện nay. Ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, riêng năm 2024 tỷ lệ ung thư tuyến giáp đã chiếm 23,6% tổng số ca ung thư mới (41.758 ca) – mức cao nhất trong các loại ung thư ghi nhận tại bệnh viện.
Lãng phí và gây khó khăn cho doanh nghiệp
Đại diện các doanh nghiệp chế biến thực phẩm khẳng định, iod gần như bị mất đi hoàn toàn hoặc bị biến đổi màu sắc, mùi vị trong nhiều nhóm sản phẩm qua xử lý nhiệt cao như mì ăn liền, hủ tiếu, rau củ quả sấy khô, gia vị dạng nước sốt, thịt hầm,… Điều này mâu thuẫn với báo cáo của Bộ Y tế rằng lượng iod còn lại trong thực phẩm sau chế biến đạt trên 60%. Rõ ràng, hiệu quả bổ sung vi chất không được đảm bảo mà còn gây lãng phí lớn. Doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí đáng kể để thực hiện các công đoạn như pha trộn, đo lường, kiểm soát, bảo quản, và vệ sinh dây chuyền nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất riêng biệt cho hàng xuất khẩu và hàng tiêu thụ nội địa. Tương tự, lượng vi chất sắt và kẽm trong bột mì cũng không duy trì ổn định và hao hụt lớn qua chế biến. Tuy nhiên, trong hồ sơ Tờ trình, Bộ Y tế chưa đưa ra bằng chứng cụ thể và khoa học để thuyết phục và chứng minh cho giả định rằng lượng iod hay các vi chất bổ sung khác trong thực phẩm chế biến luôn duy trì ổn định và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng sau tất cả các quy trình chế biến, bảo quản, và phân phối.

“Dù đã có các kết quả kiểm nghiệm rõ ràng, Bộ Y tế lại không công nhận các dữ liệu này, khiến cộng đồng doanh nghiệp băn khoăn liệu chính sách bắt buộc này có thực sự mang lại hiệu quả hay chỉ gây thêm gánh nặng mà không có lợi ích cụ thể cho sức khỏe cộng đồng” – bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trong quá trình sản xuất hạt điều rang muối, các doanh nghiệp đã sử dụng muối tăng cường iod ở đầu vào nhưng qua rang ở 130 độ, thì các kết quả kiểm nghiệm không phát hiện được iod trong thành phẩm, trong khi hương vị sản phẩm bị ảnh hưởng. điều đó chứng tỏ, việc bắt buộc sử dụng muối tăng cường iod gây tốn kém, làm giảm chất lượng sản phẩm mà không mang lại hiệu quả sức khỏe thực tế, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến tính cạnh tranh và giá trị thương mại của hạt điều Việt Nam.
“Các doanh nghiệp sản xuất cả hàng xuất khẩu và nội địa gặp nhiều trở ngại do hầu hết không thể đầu tư riêng lẻ dây chuyền sản xuất vì chi phí quá lớn. Việc chuyển đổi qua lại giữa các dòng thực phẩm yêu cầu vệ sinh dây chuyền kỹ lưỡng, gây tốn kém, giảm năng suất, và luôn đối diện nguy cơ nhiễm chéo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và mất khách hàng xuất khẩu” – ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết.
Đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) nhận xét, dự thảo sửa đổi nghị định này của Bộ Y tế là vi phạm với các cam kết không tạo rào cản thương mại của Việt Nam trong WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), khiến các nhà sản xuất nước ngoài khó sản xuất riêng các sản phẩm cho thị trường Việt Nam.
Không thể dùng muối tăng cường iod trong sản xuất nước mắm truyền thống
Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống cũng không nằm ngoài phạm vi bắt buộc sử dụng muối tăng cường iod. Trong khi đó, các loài cá biển, chủ yếu là cá cơm, dùng để ủ chượp nước mắm vốn đã giàu iod tự nhiên, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn sản xuất mà không cần thêm bất kỳ sự bổ sung nào. “Quy định bắt buộc sử dụng muối bổ sung iod đang đặt ngành nước mắm truyền thống vào nguy cơ phải thay đổi hoàn toàn quy trình sản xuất đặc trưng, thậm chí phá vỡ hoàn toàn những giá trị cốt lõi. Bởi muối bổ sung iod không chỉ làm biến đổi màu sắc, hương vị đặc trưng mà còn khiến sản phẩm không còn giữ được chất lượng nguyên bản, vi phạm các tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận, mất thị trường xuất khẩu quan trọng. Chúng tôi có thực hiện thử nghiệm và nhận thấy nước mắm sử dụng muối iod chuyển màu sậm đen, rất xấu so với nước mắm truyền thống sử dụng muối thô” – Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc và đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, cho biết.
“Với nước mắm, tôi xin khẳng định không thể dùng muối iod để ướp cá từ đầu vì làm nước mắm là quá trình lên men cá muối, iod sẽ ức chế quá trình này. Còn nếu cho iod vào nước mắm thành phẩm sẽ làm cho nước mắm chuyển sang màu đen, người tiêu dùng sẽ tẩy chay. Viện Dinh dưỡng đã từng thực hiện đề tài bổ sung iod vào nước mắm và không hiểu vì lý do nào đó đã không thành công” – TS Trần Thị Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, chuyên gia công nghệ thực phẩm, người gắn bó lâu năm với nghề nước mắm truyền thống. |
“Ban soạn thảo đã dẫn chứng rằng công ty Masan đang thực hiện tăng cường iốt vào nước mắm để xuất khẩu sang Thái Lan mà không ghi nhận bất kỳ phản ánh khó khăn nào từ doanh nghiệp này. Tuy nhiên, quy trình sản xuất của Masan cho ra nước mắm công nghiệp, sử dụng nước pha với nước mắm từ cá, bổ sung chất bảo quản, phẩm màu , hương liệu tổng hợp và nhiều chất hóa học khác, hoàn toàn khác biệt với nước mắm truyền thống là dịch chiết lấy từ quá trình ủ cá cơm và muối thô trong thời gian dài. Việc đánh đồng hai phương thức sản xuất hoàn toàn khác biệt này không chỉ là một sự so sánh khập khiễng mà còn tiềm ẩn nguy cơ “bóp chết” ngành nước mắm truyền thống, triệt tiêu những giá trị cốt lõi, tinh hoa và bản sắc của nước mắm truyền thống. Quy định này còn xung đột với tiêu chuẩn nước mắm truyền thống và làm tổn hại đến giá trị cốt lõi của thực phẩm hữu cơ” – TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), nhận xét.
Nguồn: website: hiephoinuocmamtruyenthong.vn