Được xem như hai loại thực phẩm quan trọng nhất, gạo và nước mắm hiện diện trong mỗi bữa ăn của gia đình người Việt. Có sản lượng, tiềm năng dồi dào nhưng gạo và nước mắm trong nước đang đối mặt với nguy cơ lép vế ngay chính trên sân nhà.
Khó chồng khó
GS Võ Tòng Xuân cho biết, “thượng đế” Việt đang có nhiều sự lựa chọn và gạo trong nước đang có xu hướng trở thành thực phẩm dành cho người có thu nhập thấp. Riêng về xuất khẩu, trong khi các đối thủ của gạo nội như Thái Lan, Ấn Độ… đều có kết quả khả quan thì các doanh nghiệp trong nước đang có giá trị xuất khẩu chạm đáy trong vòng 8 năm qua. Nhiều thị trường truyền thống như: Indonesia, Philippines… đang có xu hướng từ chối nhập và thời gian dài “hạt ngọc” Việt vẫn đang loay hoay với bài toán xây dựng thương hiệu.
“Chính việc chúng ta quá chú trọng vào số lượng mà lơ là chất lượng đã dẫn đến hệ quả khó cạnh tranh tranh khi người tiêu dùng toàn cầu ngày càng quan tâm đến chất lượng. Ngoài ra là những quy định, chính sách… chưa theo sát diễn biến thị trường đã làm cho không ít doanh nghiệp xuất khẩu, nhà nông đã khó lại càng khó khăn hơn”, GS Võ Tòng Xuân trăn trở.
Riêng thị trường nước mắm, năm 2015, các tổ chức kinh tế định giá có giá trị khoảng 501 triệu USD và mỗi năm có hơn 300 triệu lít nước mắm được tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nước mắm truyền thống đang bị cạnh tranh gay gắt từ các loại nước mắm công nghiệp và ngành nghề truyền thống này đang đối mặt với nguy cơ bị mai một hoặc thu gọn quy mô sản xuất. Theo số liệu thống kê, hiện người Việt tiêu thụ hơn 300 triệu lít nước mắm/năm và điều đáng quan tâm là khoảng 75% trong số đó là nước mắm phi truyền thống.
“Giá trị một chai nước mắm công nghiệp chỉ vào khoảng 1-2 USD, còn nước mắm truyền thống có độ đạm cao, thuần chất có thể cao hơn 4-8 lần. Trong khi đó, nguyên liệu chính làm ra nước mắm truyền thống là cá cơm do khai thác ở mức độ cao lại đang có dấu hiệu thu hẹp dần. Với sản lượng thấp, giá lại cao hơn… nước mắm truyền thống đang kén người tiêu dùng dẫn đến việc thu hẹp thị phần”, ông Trương Đình Hoè, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống, cho hay.
Hướng tới ngon và sạch
Tại hội thảo quốc tế “Cuộc hồi phục của nước mắm truyền thống-Nâng giá trị gạo Việt và đường đến thị trường” được tổ chức chiều 15/1 tại TP Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng người tiêu dùng trong nước nói riêng và thế giới nói chung đang hướng đến thực phẩm đảm bảo yếu tố ngon, an toàn và giá cả cạnh tranh. Với ngành lúa gạo, hiện nhiều doanh nghiệp nội địa đã tiến hành xây dựng thương hiệu thành công gạo cao cấp như: thương hiệu gạo Ngọc Đồng (Công ty Gentraco), Tập đoàn Lộc Trời với thương hiệu gạo Hạt ngọc trời, gạo sạch Hoa lúa (Công ty gạo Hoa lúa)… Các doanh nghiệp đang hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết 4 nhà để cùng sản xuất an toàn, tuân thủ những tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).
“Nỗ lực đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu được đánh giá cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Thủ tướng chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT ) cũng đang xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn thương hiệu gạo quốc gia để các doanh nghiệp áp dụng góp phần đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tạo sự canh tranh cao”, GS Võ Tòng Xuân cho biết.
Còn theo chuyên gia Vũ Thế Thành, trong bối cảnh khó khăn của ngành nghề làm nước mắm truyền thống và “tranh tối tranh sáng” chất lượng như hiện nay, việc ra đời Bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống là rất cần thiết. Hiện những quy định hiện hành chỉ đưa ra khái niệm về nước mắm nói chung mà không có tiêu chuẩn nào để phân biệt nước mắm truyền thống với nước mắm pha chế. Chính sự thiếu hụt này đang gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Dự kiến quý 2/ 2017 Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện được bộ quy chuẩn này và các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống sẽ có một kênh để tiếp cận và chia sẻ những giá trị ngành nghề.
“Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác gồm các nhà khoa học, nhà chuyên môn, nhà quản lý, các hiệp hội… nhằm rà soát lại những quy định quản lý nhà nước về quy chuẩn, làm rõ những khái niệm thế nào là nước mắm, thế nào là nước chấm. Ngoài ra, Bộ đã tổ chức khảo sát khoanh vùng các nguồn lợi cá cơm, xác định rõ chỉ dẫn địa lý để khai thác nguyên liệu một cách bền vững, từng bước có giải pháp cụ thể bảo vệ được nguồn lợi cá cơm, góp phần đảm bảo ổn định được nguồn nguyên liệu cho nước mắm truyền thống”, ông Trương Đình Hoè cho biết.