PLO) – Tranh chấp giữa 2 doanh nghiệp chưa kết thúc thì một bên chuyển hướng đổi tên sản phẩm, làm nhiễu thị trường nguyên nhân là do Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sở hữu trùng thương hiệu cho 2 công ty lại thiếu “quyết đoán”.
Hàng trình “đòi” tên cho nước mắm
Theo Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Cty CP Thủy sản Nghệ An Nguyễn Thanh Hùng, tiền thân Cty là Trạm hải sản Cửa Hội, chuyên sản xuất kinh doanh nước mắm, bột canh, mắm tôm, nước mắm cô đặc (nước mắm ép viên). Năm 2000, Cty cổ phần hóa với 100% vốn cổ đông. Năm 2004, là đơn vị thứ hai (sau thương hiệu Cam Vinh) làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu công nghiệp các sản phẩm.
Tháng 11/2005, Cty được Cục Sở hữu trí tuệ cấp các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có sản phẩm mã 68386 là “Nước mắm Cửa Hội, có hiệu lực 10 năm kể từ ngày 29/11/2005. Sau đó, giấy chứng nhận được gia hạn 10 năm đến hết ngày 8/12/2024. Quá trình phát triển của Cty, sản phẩm “Nước mắm Cửa Hội” đã đạt được nhiều giải thưởng như Búp Sen Vàng 2005, Chất lượng Việt Nam 2006 và nhiều giải thưởng, giấy chứng nhận khác.
Ông Hùng cho biết, hoạt động Cty diễn ra bình thường, cho đến khi phát hiện một sản phẩm cùng tên “Nước mắm Cửa Hội” bán trên thị trường, nhưng của Cty CP Chế biến thủy sản và dịch vụ Cửa Hội nên Cty Thủy sản Nghệ An đã nhiều lần làm việc đề nghị Cty Chế biến thủy sản dịch vụ Cửa Hội dừng sản phẩm “Nước mắm Cửa Hội” vì vi phạm bản quyền, nhưng Cty này lại trình ra một văn bản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm.
Thấy bất bình thường, năm 2016 Cty Thủy sản Nghệ An gửi nhiều văn bản ra Phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đối với sản phẩm nước mắm Cửa Hội của Cty chế biển thủy sản và dịch vụ Cửa Hội.
Và từ đó đến nay, hai công ty nhiều lần gửi văn bản và nhận văn bản phúc đáp của Cục Sở hữu trí tuệ về việc đề nghị hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền đối với sản phẩm “Nước mắm Cửa Hội” đối với cả hai công ty. Theo đó, Cục này yêu cầu hai công ty chứng minh thủ tục pháp lý của mình. Khi công ty này có công văn trả lời thì Cục gửi cho công ty kia yêu cầu bổ sung và đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức.
Catalo với nội dung “Nước mắm Cửa Hội đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền là nước mắm Tân Hội” xuất hiện trên thị trường
Nhập nhằng “Tân Hội” – “Cửa Hội”
Trong lúc chưa có lời phân giải cuối cùng thì vừa qua Cty CP Chế biến thủy sản và dịch vụ Cửa Hội ra mắt sản phẩm “nước mắm Tân Hội”. Điều này sẽ không có gì nếu như không xuất hiện đoạn video trên trang truyền hình địa phương và tờ Catalo nước mắm Cửa Hội với nội dung: “Hiện nay trên thị trường có một bộ phận lợi dụng thương hiệu “Nước mắm Cửa Hội” để sản xuất nước mắm kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Để tránh nhầm lẫn cho khách hàng, Cty xin thông báo tới quý khách hàng về việc thay đổi nhãn hiệu từ “Nước mắm Cửa Hội” sang “Nước mắm Tân Hội”.
Ông Hùng cho rằng: “Việc đăng tải video và catalo đó gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng của Cty CP Thủy sản Nghệ An, vô tình nói sản phẩm của Cty tôi là hàng giả. Trong khi đó, sản phẩm của chúng tôi đã được cấp được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Đức Tiềm, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Cty CP Chế biến hải sản và dịch vụ Cửa Hội cho rằng Cty của ông được trung tâm đấu giá bán thanh lý lại tài sản của Xí nghiệp đánh cá Cửa Hội năm 2006 và được sở hữu toàn bộ tài sản, trong đó có sản phẩm nước mắm tồn dư của Xí nghiệp đánh cá Cửa Hội. Cty còn được tỉnh Nghệ An, TAND tỉnh Nghệ An cho thuê lại đất và toàn bộ tài sản của Xí nghiệp đánh cá Cửa Hội để hoạt động, nên việc mang thương hiệu nước mắm Cửa Hội là không có gì sai. Cũng theo ông Tiềm, thông tin trên clip không nói là công ty nào, cá nhân nào sản xuất nước mắm kém chất lượng.
Ông Tiềm nói: “Hiện trên địa phương có một làng nghề sản xuất nước mắm, không ai quản lý được thương hiệu nên chúng tôi đã đổi tên thành nước mắm Tân Hội, không để nước mắm Cửa Hội nữa. Chúng tôi cảnh báo người tiêu dùng nếu sử dụng nước mắm Cửa Hội thì có đúng xuất xứ là Cửa Hội hay là hàng trôi nổi…”.
Lâu nay cả hai công ty đều có sản phẩm mang tên Nước mắm Cửa Hội và hiện nay Cục Sở hữu trí tuệ cũng chưa có kết luận sản phẩm của công ty nào được mang tên này. Cũng theo ông Tiềm, sản phẩm nước mắm Tân Hội đã được công ty của ông công bố, Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp nhận đơn và xem xét, theo quy định từ 6-12 tháng mới được cấp giấy chứng nhận. Thế nhưng, trong video clip trên kênh truyền hình địa phương thì cho rằng “…để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, từ tháng 7/2017 sản phẩm nước mắm Cửa Hội đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền là nước mắm Tân Hội”.
Cũng theo Cty CP Chế biến hải sản và dịch vụ Cửa Hội, hiện Cty vẫn sản xuất song song hai sản phẩm Nước mắm Cửa Hội và Nước mắm Tân Hội. Thời gian tới công ty sẽ chuyển sang sản xuất nước mắm Tân Hội, chỉ một số thị trường thì giữ nước mắm Cửa Hội.
Trong lúc vụ tranh chấp thương hiệu độc quyền chưa được ngành chức năng phân xử, việc một công ty thông báo đổi tên sản phẩm khiến sự việc càng thêm rắc rối, gây nhiễu loạn thị trường.
Cục Sở hữu trí tuệ, “tác giả” của 2 Chứng nhận độc quyền trùng nhau “Nước mắm Cửa Hội” cần có lời giải thích thỏa đáng, sớm có quyết định cuối cùng “phân xử” vụ tranh chấp này, giúp định hướng người tiêu dùng và đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp.
Nguồn: baophapluat.vn