(Baonghean) – Tìm đến Công ty cổ phần Thủy Sản Nghệ An để làm rõ những thông tin mà người Làng nghề tương truyền thống Nam Đàn cung cấp, đại diện doanh nghiệp này xác nhận việc đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp quyền sở hữu nhãn hiệu “ Tương Nam Đàn”, và, họ cũng có nỗi niềm riêng…
Đại diện của Công ty CP Thủy sản Nghệ An-Phó Giám đốc Nguyễn Đình Thông cho biết, việc sở hữu nhãn hiệu Tương Nam Đàn của họ bắt nguồn từ chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An (khoảng năm 2003 – 2004) khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp phát triển, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trên địa bản tỉnh.
Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Nghệ An Nguyễn Đình Thông trao đổi về việc đăng ký thương hiệu Tương Nam Đàn với PV Báo Nghệ An.
Công ty CP thủy sản Nghệ An tiền thân là Công ty Hải sản Nghệ An, ở thời điểm đó đã có truyền thống gần 50 năm chế biến các mặt hàng thủy sản nước mắm, ruốc, tôm mực khô… Sau cổ phần hóa, công ty đã đầu tư xây dựng siêu thị tại địa chỉ 48, đường Nguyễn Sỹ Sách (TP.Vinh) để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm; đồng thời thành lập được chuỗi đại lý bán lẻ.
Riêng sản phẩm tương, trong công ty có nhân viên là chị Nguyễn Thị Hồng – cư trú ở vùng sản xuất Tương Nam Đàn và gia đình có theo nghề làm tương, chuyên cung ứng sản phẩm cho chuỗi đại lý, siêu thị của công ty. Chính vì vậy, khi nhận được chủ trương của tỉnh về xây dựng thương hiệu sản phẩm, Công ty CP thủy sản Nghệ An đã đăng ký sở hữu 4 thương hiệu, gồm: Logo công ty và 3 thương hiệu gắn liền với địa danh (Tương Nam Đàn, Nước mắm Cửa Hội, nước mắm Cửa Lò).
“Thời đó, hầu như các địa phương, doanh nghiệp chưa mấy ai ý thức cũng như quan tâm đến vấn đề thương hiệu hay sở hữu trí tuệ” – ông Nguyễn Đình Thông khẳng định. Chính vì vậy, khi Công ty CP Thủy sản Nghệ An là đơn vị thứ hai trong toàn tỉnh đăng ký sở hữu thương hiệu, Sở Công Thương, UBND tỉnh rất nhiệt tình ủng hộ.
Chính nhờ có sự đồng tình của tỉnh và các cơ quan liên quan nên khi nhận được hồ sơ của Công ty CP Thủy sản Nghệ An, Cục Sở Hữu trí tuệ Việt Nam đã thẩm định và cấp chứng nhận cho cả 4 thương hiệu công ty đăng ký.
Riêng với việc đăng ký nhãn hiệu Tương Nam Đàn, Công ty CP Thủy sản Nghệ An đã có tờ trình lên Sở chủ quản (lúc đó là Sở Thủy sản). Sở đồng tình cao và có văn bản trình UBND tỉnh về việc đề nghị phê duyệt thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Tháng 11/2004, UBND tỉnh có Công văn số 5917 gửi Cục Sở Hữu trí tuệ đề nghị đăng ký cho thương hiệu Tương Nam Đàn. Ngày 29/11/2005, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hàng hóa “Tương Nam Đàn” tại văn bằng số 68383 cho Công ty CP Thủy sản Nghệ An.
Công nhân Công ty CP Thủy sản Nghệ An vào nhãn sản phẩm Nước mắm Cửa Hội.
“Chọn Tương Nam Đàn là một trong 3 sản phẩm để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa vì đây là sản phẩm truyền thống của tỉnh đã được nhiều người biết đến, hơn nữa, đây cũng là sản phẩm Công ty CP Thủy sản Nghệ An đang sản xuất kinh doanh. Chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu tương Nam Đàn phát triển lớn mạnh và được khẳng định trên thị trường. Chính vì vậy, ngay thời điểm đó, công ty đã mời Viện Công nghệ Thực Phẩm về phối hợp với cơ sở chị Hồng thực hiện các quy trình sản xuất tương đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất ra thị trường. Dù công việc sản xuất, kinh doanh có những lúc thăng trầm, có những giai đoạn cực kỳ khó khăn, làm ăn không hiệu quả nhưng chúng tôi vẫn duy trì sản xuất kinh doanh sản phẩm này…” – Ông Thông cho biết thêm.
Sản phẩm Tương Nam Đàn của Công ty CP Thủy sản Nghệ An.
Kể cho ông Nguyễn Đình Thông về những gì mà đại diện Làng nghề tương truyền thống Nam Đàn trao đổi, theo Phó Giám đốc Công ty CP thủy sản Nghệ An Nguyễn Đình Thông, để xây dựng được thương hiệu Tương Nam Đàn cũng như một số nhãn hiệu khác như Nước mắm Cửa Hội, Nước mắm Cửa Lò và được cấp quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu này, công ty đã đầu tư không ít công sức, thời gian và tiền bạc.
Những thương hiệu này, theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, là tài sản riêng có của công ty; những tổ chức, cá nhân nào sử dụng thương hiệu Tương Nam Đàn và thương hiệu Nước mắm Cửa Hội, thương hiệu nước mắm Cửa Lò mà không được sự đồng ý của công ty đều vi phạm pháp luật. Vậy nhưng trên thực tế, những nhãn hiệu đó, từ cả chục năm qua bị các tổ chức, cá nhân sử dụng trái pháp luật mà không cơ quan có thẩm quyền nào để ý, chứ chưa nói tới việc xử lý. Và điều này, đang là nỗi đau của công ty CP Thủy sản Nghệ An. Việc sử dụng trái phép này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho công ty mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây nhầm nhẫn đối với người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.
Đã bao giờ Công ty CP Thủy sản Nghệ An nghĩ tới việc nhờ pháp luật can thiệp; hoặc tìm một giải pháp gì để giải quyết vấn đề này? Theo ông Nguyễn Đình Thông, công ty hiểu, và rất chia sẻ với những hộ gia đình đang sản xuất, kinh doanh tương ở huyện Nam Đàn; đồng thời không muốn làm một điều gì đó dẫn đến tổn thương thương hiệu Tương Nam Đàn.
Chính vì vậy, mặc dù thương hiệu Tương Nam Đàn trong nhiều năm qua bị sử dụng trái pháp luật nhưng công ty cũng không đề nghị các cơ quan có liên quan xử lý. “Thương hiệu Tương Nam Đàn là tài sản của chung toàn Công ty CP Thủy sản Nghệ An. Đề ra một giải pháp cụ thể để giải quyết là trách nhiệm của cả tập thể. Về phương diện cá nhân, tôi nghĩ rằng nên có sự vào cuộc của tỉnh. Cần có một cuộc họp giữa các bên liên quan do tỉnh chủ trì trên tinh thần vì mục tiêu nâng tầm thương hiệu Tương Nam Đàn…”.
Tiếp cận toàn bộ hồ sơ có liên quan dến thương hiệu Tương Nam Đàn, thấy rằng, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu của Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ An là đúng quy trình, thủ tục. Năm 2005 công ty đã được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu đối với sản phẩm Tương Nam Đàn và đến năm 2015, khi văn bằng hết hiệu lực sau 10 năm theo Luật Sở Hữu trí tuệ, công ty này đã làm thủ tục xin gia hạn và được cấp bằng gia hạn. Như vậy, về mặt pháp lý, nhãn hiệu “ Tương Nam Đàn” là đối tượng thuộc quyền sở hữu và sử dụng độc quyền của công ty cổ phần thủy sản Nghệ An.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hàng hóa “Tương Nam Đàn” Cục Sở hữu trí tuệ cấpcho Công ty CP Thủy sản Nghệ An.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở Hữu Trí tuệ : “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức cá nhân khác nhau”. Chức năng quan trọng nhất của nhãn hiệu là khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Một nhãn hiệu được xác lập trên thực tế, sẽ phát sinh việc pháp luật bảo hộ sự độc quyền sử dụng của chủ thể quyền cùng nghĩa vụ tôn trọng sự độc quyền của các chủ thể liên quan khác.
Nhãn hiệu là tài sản riêng của chủ sở hữu, mang đến cho họ lợi ích kinh tế, lợi ích thương mại. Nhà nước đảm bảo cho chủ sở hữu được yên ổn khai thác lợi ích kinh tế đó và giúp họ chống lại các hành vi xâm phạm, làm hạn chế khả năng khai thác của chủ sở hữu.
Chính vì vậy, những điều mà người đại diện Công ty Cổ phần Thủy Sản Nghệ An tâm tư là có thể hiểu. Rõ ràng không chỉ người làm nghề sản xuất tương ở huyện Nam Đàn đang mang trong mình nỗi đau, mà doanh nghiệp này cũng đang chất chứa những nỗi niềm…
(còn nữa)